Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam qua các kỳ Đại hội


Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thức I của Hội Phổ biến Khoa học, Kỹ thuật Việt Nam

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam (gọi tắt là Liên hiệp Hội Việt Nam - VUSTA) là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho trí thức khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) là thành viên của VUSTA từ năm 2009. Trong nhiều năm qua, VACPA luôn là thành viên đóng góp tích cực vào hoạt động của VUSTA và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm với VUSTA. Đặc biệt, lãnh đạo VACPA đã tham gia vào Hội đồng Trung ương của VUSTA trong các nhiệm kỳ, chia sẻ, phổ biến thông tin, tham gia khảo sát chuyên môn, tham gia các Hội thảo do VUSTA tổ chức và các hoạt động hỗ trợ khác. 
Hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam - Liên hiệp Hội Việt Nam (26/3/1983 - 26/3/2023), VACPA xin chia sẻ một số bài viết về quá trình hình thành và phát triển của VUSTA để Quý hội viên và bạn đọc được biết thêm thông tin về VUSTA.

Bài 2: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam qua các kỳ Đại hội

1. Quá trình vận động thành lập và Đại hội lần thứ nhất của Liên hiệp Hội Việt Nam

Trải qua quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc, trí thức Việt Nam luôn luôn nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và có vai trò quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Trong thời đại Hồ Chí Minh, trí thức nước nhà không ngừng phấn đấu hy sinh, hăng hái tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Nửa đầu của thế kỉ XX, nhiều tổ chức của trí thức đã được thành lập và phát triển rộng khắp như Hội Truyền bá Quốc ngữ (1938), Hội Văn hóa cứu quốc (1943), Hội Văn nghệ Việt Nam (1948) góp phần tích cực mở mang dân trí, giải phóng dân tộc, chấn hưng đất nước. Ngay sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc hoàn toàn giải phóng đã ra đời một số hội của các nhà khoa học Việt Nam: Hội Luật gia Việt Nam (1955); Tổng hội Y Dược học Việt Nam (1955); Hội Đông y Việt Nam (1957); Hội Phổ biến khoa học và kĩ thuật Việt Nam (1959). Tiếp theo đó, một mặt các hội phát triển tổ chức đến các địa phương, mặt khác nhiều hội khoa học - công nghệ mới tiếp tục hình thành và hoạt động, nhất là sau khi miền Nam giải phóng. Ngay trong năm 1975, Hội trí thức yêu nước đã được thành lập tại thành phố Sài Gòn.

Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo từ giữa những năm 80 của thế kỉ trước không những đã có tác dụng giải phóng lực lượng sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mà còn tạo ra không khí cởi mở và thổi một luồng sinh khí mới vào các hoạt động xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành các hội khoa học và công nghệ. Trong vòng hơn hai thập kỉ, gần 50 hội và tổng hội khoa học và công nghệ đã được thành lập, cùng với hơn 10 hội ra đời trước đó, đưa tập hợp các hội khoa học - công nghệ lên con số 66.

Song song với sự ra đời của các hội hoạt động trong các ngành khoa học - công nghệ khác nhau là xu thế tập hợp các hội khoa học và công nghệ ngành thành một tổ chức chung thống nhất. Tháng 3/1965, Ủy ban Liên lạc lâm thời các hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam được thành lập. Các nhà khoa học của thủ đô Hà Nội đã đi tiên phong thực hiện chủ trương này với việc thành lập Hội Liên hiệp khoa học - kĩ thuật Hà Nội (1982), sau này đổi tên thành Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, liên hiệp hội địa phương đầu tiên trong cả nước.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đại biểu tham dự Đại hội lần thứ nhất

Đầu thập kỉ 80 của thế kỉ XX đã hội đủ những điều kiện cần thiết cho sự ra đời một tổ chức thống nhất của các hội khoa học và công nghệ. Trên cơ sở kết quả hoạt động của Ủy ban Liên lạc lâm thời các hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam, ngày 26/3/1983, tại khách sạn Bờ Hồ (Thủ đô Hà Nội), đại biểu của 14 hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam và Hội Liên hiệp khoa học - kĩ thuật Hà Nội đã tổ chức đại hội thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (sau đây gọi tắt là Liên hiệp Hội Việt Nam). Đại hội đã thông qua Điều lệ và bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam, đứng đầu là các vị:

• GS.VS. Trần Đại Nghĩa - Chủ tịch

• GS.TSKH. Nguyễn Văn Hiệu - Phó Chủ tịch

• GS. Đào Văn Tập - Phó Chủ tịch

• GS. Lê Văn Thới - Phó Chủ tịch

• KS. Lê Khắc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí

• GS. Đường Hồng Dật - Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Tổ chức cán bộ

• GS.TS Hà Học Trạc - Trưởng Ban kiến thức và ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất và đời sống

• GS.TSKH. Nguyễn Văn Đạo - Trưởng Ban Tuyên huấn và XB

• CN. Hồ Đắc Song - Trưởng Ban Kinh tế.

Ngày 29/7/1983, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra Quyết định số 121-HĐBT cho phép Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chính thức thành lập và hoạt động. Liên hiệp Hội Việt Nam ra đời là nơi tập hợp và đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ cả nước, điều hòa và phối hợp hoạt động của các tổ chức thành viên. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Liên hiệp Hội Việt Nam đã gây được tiếng vang lớn ở trong và ngoài nước.

*****

2. Đại hội lần thứ hai của Liên hiệp Hội Việt Nam

Với đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trước hết là đổi mới tư duy trong lĩnh vực kinh tế, ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam đã mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước. Từ đây, không những sản xuất được mở mang, mà một luồng gió mới cũng được thổi vào đời sống xã hội, tạo những điều kiện thuận lợi mới cho sự phát triển các tổ chức nhân dân, trong đó có các hội KHCN.

Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đại biểu tham dự Đại hội

Ngày 12/5/1988 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Liên hiệp hội Việt Nam đã khai mạc với sự tham gia của đại biểu 18 hội ngành toàn quốc và 5 liên hiệp hội địa phương.

Tham gia Đoàn Chủ toạ Đại hội có các đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Giáo sư Chủ tịch Trần Đại Nghĩa; Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hữu; Giáo sư Phạm Như Cương; Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Hiệu; Giáo sư Tiến sĩ Hà Học Trạc; Giáo sư,Tiến sĩ khoa học Nguyễn Trọng Hiệp và 3 vị khách quốc tế là các trưởng đoàn đại biểu Hội Kiến thức Liên Xô, Hội Phổ biến kiến thức Bungari và Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Liên Xô.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Đại tướng Võ Nguyên Giáo đã phát biểu tại Đại hội, toàn văn bài phát biểu đã đăng trên nhiều báo, tạp chí. Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có đoạn: “Đảng và nhân dân ta tự hào có một đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật đông đảo hàng chục vạn người, lòng đầy nhiệt huyết, muốn cống hiến nhiều cho xã hội, đưa đất nước mau chóng thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên con đường văn minh, hạnh phúc. Trong đội ngũ đông đảo đó, có nhiều nhà khoa học và kỹ thuật tài năng, có những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh cũng như cho bản thân sự nghiệp khoa học kỹ thuật của nước nhà. Hội cần phối hợp với ngành giáo dục và các bộ máy thông tin, báo chí truyền thông đại chúng tạo ra môi trường xã hội rộng lớn có đông đảo quần chúng nhân dân lao động trực tiếp tham gia và được đào tạo.

Trọng tâm công tác của Hội là tạo ra được phong trào quần chúng hoạt động khoa học kỹ thuật, góp phần đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống. Với sức mạnh tập hợp liên ngành và cách làm việc hợp tác năng động, Hội cũng có thể đảm đương được tốt chức năng phản biện và giám định xã hội”.

Với sự nhất trí cao, Đại hội đã thông qua báo cáo của Ban Chấp hành, Điều lệ (sửa đổi và bổ sung), Quy chế tổ chức và hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam. Kể từ sau Đại hội II, Liên hiệp hội Việt Nam có Hội đồng Trung ương và Hội đồng Trung ương có Đoàn Chủ tịch.

Thể theo nguyện vọng của đông đảo các nhà khoa học và các hội thành viên, Đại hội đã suy tôn Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch danh dự Liên hiệp hội Việt Nam. Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam gồm 49 uỷ viên, đại diện cho tất cả các hội thành viên, cơ quan trung ương Liên hiệp hội Việt Nam và một số cơ quan hữu quan. Hội đồng Trung ương đã bầu ra Đoàn Chủ tịch và Ủy ban Kiểm tra gồm 3 ủy viên.

Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam, nhiệm kỳ II (1988-1993):

- GS.TS. Hà Học Trạc - Chủ tịch

- TS.Trịnh Văn Tự - Phó Chủ tịch kiểm Tổng thư ký

- TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch

- GS.TSKH. Vũ Tuyên Hoàng - Ủy viên

- GS.TSKH. Nguyễn Trọng Hiệp - Ủy viên

- GS.TS. Chu Phạm Ngọc Sơn - Ủy viên

- TS. Mai Kỷ - Ủy viên

- PGS.TS. Nguyễn An Lương - Ủy viên

- GS. Phạm Xuân Nam - Ủy viên

(Từ năm 1990, Cử nhân Trần Cư thay TS.Trịnh Văn Tự nhận nhiệm vụ mới).

*****

3. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Liên hiệp hội Việt Nam

Trong những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, sau khi Liên Xô tan rã và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, nước ta đứng trước những khó khăn vô cùng to lớn. Tình hình đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động và sự phát triển của Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên…

Vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, nhiều hoạt động mới của Liên hiệp hội Việt Nam dần được định hình, trong đó tư vấn, phản biện và giám định xã hội là một phương hướng hoạt động lần đầu tiên được triển khai thực hiện với luận chứng kinh tế - kỹ thuật công trình thuỷ điện Yaly trên sông Sê san (tỉnh Gia Lai) và tài liệu kỹ thuật công trình đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam do hãng Nippon Koei (Nhật Bản) lập.

Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam khóa III ra mắt Đại hội

Trong hai ngày 27 và 28/9/1993, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Liên hiệp hội Việt Nam đã được tiến hành tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội). Về dự đại hội có 184 đại biểu thay mặt cho 34 hội ngành toàn quốc và 8 liên hiệp hội địa phương. Tổng Bí thư Đỗ Mười, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đình Tứ, Giáo sư Nguyễn Đức Bình, các đồng chí Vũ Oanh, Lê Quang Đạo, Nguyễn Khánh, đại diện các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiều bộ, ban, ngành ở Trung ương và Thủ đô Hà Nội cùng một số khách nước ngoài đã đến dự Đại hội.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo Đại hội, Tổng Bí thư Đỗ Mười nhấn mạnh: “Hoạt động của Liên hiệp hội và các hội thành viên đã góp phần tích cực nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hợp tác trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tham gia vào việc biên soạn hoặc đảm nhận vai trò tư vấn, phản biện và giám định các dự thảo về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các dự luật, các dự án kinh tế - xã hội và khoa học, công nghệ ở tầm quốc gia.

Nhiệm vụ đặt ra trong chặng đường tới cũng rất nặng nề, có thể nói còn nặng nề hơn trước. Phải tăng cường ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm môi trường trong nước và quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh công nghiệp hoá, xây dựng đất nước, làm cho nền kinh tế phát triển lành mạnh với nhịp độ cao và liên tục, cải thiện đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường, đem lại cuộc sống ngày càng ấm no, tự do, hạnh phúc cho toàn dân. Đội ngũ đông đảo trí thức nước nhà thuộc Liên hiệp hội phải đảm nhiệm vai trò xứng đáng trong việc thực hiện sự nghiệp trọng đại đó”.

Trong lời phát biểu chào mừng Đại hội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Sự phát triển nhanh và lớn như vậy chứng tỏ hình thức tổ chức các hội khoa học và kỹ thuật đã đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số cán bộ khoa học và kỹ thuật, của giới trí thức. Đây là một hình thức tổ chức dân chủ, tự nguyện, một tổ chức phi chính phủ mang tính chất tự chủ, tự quản. Hoạt động trong các hội khoa học và kỹ thuật, các đồng chí không bị ràng buộc và ngăn cách bởi sự phân chia hành chính. Đó là tính ưu việt của hình thức tổ chức của Liên hiệp hội”.

Công trình thuỷ điện Yaly, Gia Lai do LHHVN tư vấn, phản biện và giám định xã hội về luận chứng kinh tế - kỹ thuật

Với tinh thần đoàn kết, đổi mới và xây dựng, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, thông qua báo cáo của Hội đồng Trung ương (khoá II) cùng các văn kiện quan trọng khác và bầu ra Hội đồng Trung ương (khoá III) gồm 95 uỷ viên. Hội đồng Trung ương (khoá III) tiếp tục suy tôn Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch danh dự, bầu Đoàn Chủ tịch gồm 11 ủy viên và Uỷ ban Kiểm tra gồm 5 ủy viên:

Chủ tịch danh dự: Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa

Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên Hiệp hội Việt Nam, nhiệm kỳ III (1993-1999)

- GS.TS. Hà Học Trạc - Chủ tịch

- Ông Phan Huy Lê - Phó Chủ tịch

- TS. Phạm Sĩ Liêm - Phó Chủ tịch

- TS. Nguyễn Hữu Tăng - Phó Chủ tịch

- PTS. Hồ Uy Liêm - Tổng thư ký

- TS. Nguyễn Năng An - Ủy viên

- VS. Vũ Tuyên Hoàng - Ủy viên

- PTS. Nguyễn An Lương - Ủy viên

- TS. Chu Phạm Ngọc Sơn - Ủy viên

- Ông Ngô Bá Thành - Ủy viên

- Ông Phạm Quốc Tường - Ủy viên

Ủy ban kiểm tra Liên Hiệp Hội Việt Nam nhiệm kỳ III (1993-1999):

- Ông Trần Cư - Chủ nhiệm

- PTS. Huỳnh Văn Hoàng - Ủy viên

- Ông Ngô Đức Minh - Ủy viên

- TS. Nguyễn Thiện Phúc - Ủy viên

- PTS. Trịnh Văn Tự - Ủy viên

Lần đầu tiên tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III xuất hiện biểu trưng của Liên hiệp hội Việt Nam, sử dụng yếu tố cơ bản là một hình tam giác đều, được hợp thành bởi 3 chữ V (chữ đầu của từ Việt Nam và VUSTA), đặt trong biên hình tròn có dòng chữ “LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM - VUSTA”.

Hình tam giác đều trong tượng trưng cho 3 lĩnh vực hoạt động chủ yếu của Liên hiệp hội Việt Nam là khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật. Các chữ V vừa là bộ phận của hình tam giác đều, vừa liên kết với nhau, gợi nên hình dáng của những cánh chim đang tung bay, ẩn dụ ý nghĩa sau: đoàn kết trong Liên hiệp hội Việt Nam, hoạt động khoa học và kỹ thuật sẽ có điều kiện để phát triển, vươn cao, vươn xa mãi (theo hoạ sĩ Nguyễn Duy Lẫm, tác giả mẫu biểu trưng đoạt giải Nhất trong cuộc thi sáng tạo được Liên hiệp hội Việt Nam tổ chức trước thềm Đại hội).

*****

4. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Liên hiệp Hội Việt Nam

Trong 2 ngày (08 và 09/01/1999) tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Liên hiệp Hội Việt Nam đã được tổ chức trọng thể. Tham dự Đại hội có 213 đại biểu, thay mặt cho 40 hội ngành toàn quốc và 19 liên hiệp hội địa phương.

Đại hội đã đón tiếp Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thủ tướng Phan Văn Khải, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Quang Đạo, Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương Đặng Hữu cùng nhiều cán bộ lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương và Thủ đô Hà Nội.

Nhân dịp này, Liên hiệp Hội Việt Nam đã vinh dự và tự hào đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trao tặng.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Liên hiệp Hội Việt Nam

Đại hội đã bầu ra Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam bao gồm 133 uỷ viên. Tại Hội nghị lần thứ nhất, Hội đồng Trung ương đã nhất trí bầu Đoàn Chủ tịch gồm 17 uỷ viên, và Ủy ban Kiểm tra gồm 7 ủy viên.

Đoàn Chủ tịch Liên Hiệp Hội Việt Nam nhiệm kỳ IV (1999-2004)

- VS. Vũ Tuyên Hoàng - Chủ tịch

- TS. Hồ Uy Liêm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí

- TS. Nguyễn Hữu Tăng - Phó Chủ tịch

- TS. Trần Ngọc Hiên - Phó Chủ tịch

- TS. Nguyễn Năng An - Ủy viên

- Mai Anh - Ủy viên

- Đoàn Ngọc Đấu - Ủy viên

- TS. Chu Hảo - Ủy viên

- VS. Nguyễn Văn Hiệu - Ủy viên

- Nguyễn Xuân Hướng - Ủy viên

- TS. Nguyễn An Lương - Ủy viên

- Dương Trung Quốc - Ủy viên

- VS. Chu Phạm Ngọc Sơn - Ủy viên

- Ngô Bá Thành - Ủy viên

- TS. Hồ Sỹ Thoảng - Ủy viên

- Hà Học Trạc - Ủy viên

- TS. Tô Bá Trọng - Ủy viên

Ủy ban kiểm tra Liên Hiệp Hội Việt Nam nhiệm kỳ (1999-2004):

- TS. Tô Bá Trọng Chủ nhiệm

- Đào Phan Long - Ủy viên

- Ngô Đức Minh - Ủy viên

- Trần Kim Môn - Ủy viên

- Nguyễn Thị Hồng Thái - Ủy viên

- Lê Văn Thiệu - Ủy viên

- Trần Văn Tư - Ủy viên

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT TRONG NHIỆM KỲ IV (1999-2004)

Lần đầu tiên, Liên hiệp Hội Việt Nam được đề cập trực tiếp và tường minh trong Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII), trong đó nêu lên một trong những biện pháp phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá là “Củng cố và tăng cường hoạt động của các hội khoa học và kỹ thuật nhằm tập hợp rộng rãi các lực lượng trí thức. Phát huy vai trò chính trị - xã hội của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật ở trung ương và địa phương trong việc phổ biến và ứng dụng kiến thức khoa học vào sản xuất và đời sống, trong nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ và bảo vệ môi trường cũng như trong công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Đảng và Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các hội khoa học và kỹ thuật”.

Nhằm thể chế hoá Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII), ngày 01/08/2000, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 14/2000/CT-TTg về triển khai thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Tiếp theo đó, Quyết định 22/2002/QĐ-TTg ngày 30-01-2002 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là sự cụ thể hoá bước đầu Chỉ thị 14/2000/CT-TTg.

Trên cơ sở sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị khoá VIII, ngày 9/7/2004, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) ra Thông báo 145-TB/TW kết luận về việc tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW đối với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến 2010.

 

Sau cuộc bầu cử được tổ chức vào tháng 5 năm 2002, Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên có 10 đại biểu tham gia Quốc hội khoá XI.

Để tăng cường công tác thông tin trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam và thông tin hai chiều giữa Liên hiệp Hội Việt Nam với xã hội; xây dựng và kết nối hệ thống thông tin điện tử trong toàn Liên hiệp Hội Việt Nam; Phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ và góp phần xây dựng diễn đàn trí thức phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đầu năm 2002, bản tin hoạt động các hội khoa học và kỹ thuật (nay là Khoa học – Công nghệ Phát triển - KCP) ra số đầu tiên. Cũng trong thời gian đó, Trang tin điện tử www.vusta.org.vn (nay là www.vusta.vn) của Liên hiệp Hội Việt Nam chính thức đi vào hoạt động. Đến cuối nhiệm kỳ IV, Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên có gần 150 tờ báo, tạp chí và các ấn phẩm định kỳ khác, chiếm trên 1/3 tổng số báo chí khoa học cả nước.

Từ năm 2000, Liên hiệp hội bắt đầu tổ chức thường xuyên hội chợ triển lãm “Tuần lễ Xanh quốc tế Việt Nam”.

Công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội tiếp tục giữ vị trí trọng tâm. Tiếp theo công việc của nhiệm kỳ trước, trong các năm sau Đại hội IV, Liên hiệp Hội Việt Nam liên tục tổ chức tư vấn thẩm định 5 bộ hồ sơ kinh tế - kỹ thuật có liên quan đến dự án đầu tư xây dựng công trình Thuỷ điện Sông Đà: Dự án khả thi công trình Thuỷ điện Sơn La (tháng 5/1999), Thuỷ điện Lai Châu + Thuỷ điện Sơn La nhỏ (Tháng 1/2001). Quy hoạch bậc thang thuỷ điện trên sông Đà (Tháng 1/2002), Hồ sơ bổ sung công trình Thuỷ điện Sơn La (Tháng 1/2001), Hồ sơ nghiên cứu khả thi công trình Thuỷ điện Sơn La (Tháng 5/2003). Qua đó, Liên hiệp Hội Việt Nam đã góp phần tích cực cung cấp cơ sở khoa học để Chính phủ và Quốc hội xác định quy hoạch 4 bậc thang trên sông Đà và quyết định đầu tư xây dựng công trình Thuỷ điện Sơn La với mực nước dâng bình thường là 215m so với mặt nước biển. Với những đóng góp có hiệu quả trong nhiều năm, ngày 05/02/2004, Liên hiệp Hội Việt Nam được đón nhận Quyết định 04/QĐ-HDTĐSL và Phần thưởng của Hội đình Thẩm định Nhà nước Dự án Thuỷ điện Sơn La.

Đối với đường Hồ Chí Minh, để qua được Vườn quốc gia Cúc Phương, lúc đầu có ba phương án: đi vòng ra phía Đông qua Ninh Bình, đi vòng ra phía Tây qua Hoà Bình hoặc đi thẳng qua sông Bưởi vào Thanh Hoá. Cả ba phương án này đều có nhiều điểm yếu. Theo đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tập hợp ý kiến của các chuyên gia và đề xuất phương án thứ tự là xây dựng cầu vượt qua Vườn quốc gia. Phương án này đã được Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu, trình Chính phủ và được phê duyệt.

Thay nước Hồ Tây (Hà Nội) là một dự án đòi hỏi một khoản kinh phí lớn, hứa hẹn ít hiệu quả và gây nhiều tranh cãi. Trước tình hình đó, Liên hiệp Hội Việt Nam đã mời nhiều chuyên gia đầu ngành, tổ chức thảo luận, cung cấp cơ sở khoa học và đề xuất kiến nghị để Uỷ ban Nhân dân Hà Nội từ chối dự án này.

 

Ngoài ra, Liên hiệp Hội Việt Nam còn tổ chức phản biện các dự án Quy hoạch lũ đồng bằng sông Cửu Long, công trình Thuỷ điện Thác Đầu Đẳng (Bắc Kạn). Xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quân đội Việt Nam, phòng chống dịch cúm A/H5N1 và bảo vệ các loại gia cầm bản địa quý hiếm.

Trong những điều kiện còn mới mẻ và nhiều khó khăn (65,3%) các hội thành viên đã cố gắng đóng góp ý kiến vào các dự án đầu tư hoặc công trình khoa học. Đó là Hội Vô tuyến - Điện tử với dự án phóng vệ tinh nhân tạo của Việt Nam, Hội Khoa học - Kỹ thuật Nhiệt với các dự án nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, Cẩm Phả, Quảng Ninh, Liên hiệp hội Thành phố Hồ Chí Minh với dự án vệ sinh môi trường khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 22/2002/QĐ-TTg, trong những tháng cuối năm 2002, Liên hiệp Hội Việt Nam đã liên tục tổ chức các cuộc hội thảo theo vùng “Quán triệt Quyết định 22/2002/QĐ-TTg về tư vấn, phản biện và giám định xã hội” tại Cần Thơ (6 - 7/11/2002), Phú Yên (12 - 13/11/2002), Hà Tĩnh (19 - 20/11/2002) và hội thảo toàn quốc tại Đà Nẵng (16 - 17/12/2002). Kết quả các cuộc hội thảo này là “Chương trình hành động triển khai thực hiện Quyết định 22/2002/QĐ-TTg về tư vấn, phản biện và giám định xã hội” được Hội nghị lần thư 5 Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam thông qua ngày 25/3/2003. Cũng vào dịp này, Liên hiệp Hội Việt Nam thành lập Ban công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội và 19 Hội đồng tư vấn chuyên ngành.

Năm 2000, lần đầu tiên trong số 10 công trình khoa học do Liên hiệp Hội Việt Nam tuyển chọn và giới thiệu đã có 7 công trình được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ, chiếm tỷ lệ 1/3 trong tổng số các công trình đạt vinh dự này.

Ngày 26/3/1983, tại khách sạn Bờ Hồ (Hà Nội), đại biểu của 14 hội khoa học và kỹ thuật toàn quốc (nay gọi tắt là Hội ngành toàn quốc) và của Hội liên hiệp hội khoa học và và kỹ thuật Hà Nội (nay gọi tắt là Liên hiệp hội Hà Nội) đã long trọng cử hành Đại hội thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (nay gọi tắt là Liên hiệp Hội Việt Nam). Ngày 12/6/2002, Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương quyết nghị chọn ngày 26/3 hằng năm để kỷ niệm Ngày thành lập Liên hiệp Hội Việt Nam. Nhân dịp này, Đoàn Chủ tịch cũng quyết nghị ban hành Huy chương “Vì sự nghiệp các hội khoa học và kỹ thuật” dành cho các cán bộ, hội viên đã lập nhiều thành tích và đóng góp xuất sắc vào việc củng cố, phát triển và đẩy mạnh hoạt động hội.

Cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngày 4/1/2003, Liên hiệp Hội Việt Nam ký kết Chương trình liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý và nhà kinh doanh) nhằm phục vụ cho việc xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hàng hoá đa dạng, bền vững. Cùng với các hội thành viên, Liên hiệp Hội Việt Nam cam kết tham gia xây dựng hệ thống thông tin giữa các nhà khoa học, các doanh nghiệp và người nông dân, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về khoa học - kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ và kỹ thuật tới các doanh nghiệp, các hộ nông dân… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Chương trình liên kết 4 nhà đã bắt đầu phát huy tác dụng ở một số nơi nhưng còn gặp nhiều khó khăn và chưa được rộng khắp trên cả nước.

Ngày 09/05/2003, Liên hiệp Hội Việt Nam ký kết Thoả thuận hợp tác với Hội Khuyến học Việt Nam.

Ngày 28/12/2003, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra Quyết định 80/2003/QĐ-BNV chuyển Hội khoa học - kỹ huật Địa chất Việt Nam thành Tổng hội Địa chất Việt Nam với 14 hội chuyên ngành thành viên và Quyết định 87/2003/QĐ-BNV chuyển Hội khoa học - kỹ thuật Xây dựng Việt Nam thành Tổng hội Xây dựng Việt Nam với 12 hội chuyên ngành thành viên.

Trong các ngày 12 - 25/11/2000, Liên hiệp Hội Việt Nam lần đầu tiên tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 18 Liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN (CAFEO - 18) tại Hà Nội. Ngày 14/10/2004, lần đầu tiên, Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức Lễ trao Chứng chỉ Kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN cho 19 kỹ sư Việt Nam do Uỷ ban đăng bạ kỹ sư ASEAN thuộc Liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN cấp.

Trong nhiệm kỳ IV đã có 16 hội ngành toàn quốc và 13 Liên hiệp hội địa phương mới được thành lập và trở thành hội thành viên của Liên hiệp Hội Việt Nam:

- Hội ngành toàn quốc:

+ Năm 1999: Hội KH-KT Mã số mã vạch Việt Nam; Hội Thử nghiệm không phá huỷ Việt Nam.

+ Năm 2000: Hội Thông tin Tư liệu khoa học và công nghệ Việt Nam; Hội Sở hữu công nghiệp Việt Nam; Hội KH-KT Đo lường Việt Nam.

+ Năm 2001: Hôi KH-KT Địa - Vật lý Việt Nam; Hội Bảo vệ thực vật Việt Nam; Hội Giống cây trồng Việt Nam.

+ Năm 2002: Hội KH-KT An toàn thực phẩm Việt Nam; Hội Thiết bị y tế Việt Nam; Hội KH-CN Lương thực và Thực phẩm Việt Nam.

- Năm 2003: Hội KH-KT An toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam; Hội Các phòng thử nghiệm Việt Nam; Hội Dược học Việt Nam.

- Năm 2004: Hội Lạnh và Điều hoà không khí Việt Nam; Hội Trí thức khoa học và công nghệ

- Liên hiệp hội địa phương:

+ Năm 1999: Liên hiệp hội tỉnh Thái Bình.

+ Năm 2000: Liên hiệp hội tỉnh Bắc Giang; Liên hiệp hội tỉnh Yên Bái; Liên hiệp hội tỉnh Lào Cai.

+ Năm 2001: Liên hiệp hội tỉnh Đắk Lăk.

+ Năm 2002: Liên hiệp hội tỉnh Phú Thọ; Liên hiệp hội tỉnh Thái Nguyên; Liên hiệp hội tỉnh Bình Thuận; Liên hiệp hội tỉnh Quảng Trị.

+ Năm 2003: Liên hiệp hội tỉnh Bình Dương; Liên hiệp hội tỉnh Vĩnh Phúc; Liên hiệp hội tỉnh Tây Ninh.

+ Năm 2004: Liên hiệp hội tỉnh Long An.

Sau ngày 17/10/2002, các đơn vị khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo của Liên hiệp Hội Việt Nam chuyển sang hoạt động theo Nghị định 81/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ (gọi tắt là đơn vị 81) và đã đạt đến con số gần 100 khi nhiệm kỳ IV kết thúc vào cuối năm 2004.

(còn tiếp...)

 

Trích nguồn: www.vusta.vn
Số lượt đọc: 280

Đánh giá bài viết
Kết quả