Hội thảo quốc tế “Nhận thức được sức mạnh của các tổ chức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán (PAOs): Sự tin cậy, Năng lực và Hợp tác”


Hà Nội – Ngày 13-15 tháng 7 năm 2017 tại Khách sạn Melia Hà Nội, số 44 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, Việt Nam, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) phối hợp với Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC) tổ chức các cuộc họp của Ban Tư vấn Tuân thủ của IFAC và Hội thảo quốc tế “Nhận thức được sức mạnh của các tổ chức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán (PAOs): Sự tin cậy, Năng lực và Hợp tác”.

Cuộc họp Ban Tư vấn Tuân thủ diễn ra trong hai ngày, từ ngày 13-14/7/2017 gồm các thành viên đến từ các quốc gia khác nhau như Mỹ, Úc, Mexico, Thụy Điển, Jordan, Pakistan, Uganda cùng các cán bộ IFAC và lãnh đạo VACPA. Cuộc họp sẽ trao đổi về các vấn đề thực hiện tuân thủ nghĩa vụ thành viên và đưa ra các ý kiến đóng góp sửa đổi Bản tuyên bố về nghĩa vụ thành viên của IFAC (SMOs) cũng như các vấn đề liên quan đến việc kết nạp các Hội thành viên.

Cuộc hội thảo ngày 15/7/2017 thu hút được hơn 80 đại biểu tham dự gồm Lãnh đạo cấp cao của Liên đoàn Kế toán Châu Á Thái Bình Dương (CAPA), Liên đoàn Kế toán ASEAN (AFA),  Ban Tư vấn Tuân thủ của IFAC và các thành viên IFAC như Nhật Bản,  Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonexia, Lào, Campuchia,… và Việt Nam – nước chủ nhà đăng cai sự kiện. Hội thảo cũng vinh dự được đón tiếp các lãnh đạo của cơ quan quản lý Nhà nước như Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán (Bộ Tài chính), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), các Ủy viên Ban Chấp hành VACPA là đại diện các công ty kiểm toán lớn và vừa tại Việt Nam, các Hiệp hội trong nước và quốc tế như ACCA, ICAEW, CPA Australia cùng các cơ quan thông tấn báo chí...

Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC) là tổ chức nghề nghiệp kế toán toàn cầu nhằm phục vụ lợi ích công chúng bằng cách phát triển nghề nghiệp và đóng góp vào sự phát triển mạnh mẽ nền kinh tế toàn cầu. Hiện IFAC bao gồm hơn 175 hội viên chính thức và hội viên liên kết tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, đại diện cho gần 3 triệu hội viên là các kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề trong các lĩnh vực cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp, giáo dục, chính phủ, công nghiệp và thương mại. Hội viên chính thức và Hội viên liên kết của IFAC là các tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp của các quốc gia được công nhận bởi luật pháp của nước họ.

Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) được thành lập từ năm 2005. Qua 12 năm xây dựng và phát triển, VACPA đã không ngừng nỗ lực, cố gắng thực hiện đúng và đầy đủ tôn chỉ, mục đích theo Điều lệ của Hội, đồng thời triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ do Bộ Tài chính chuyển giao (theo Nghị định số 17/2012/NĐ-CP ngày 13/03/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kiểm toán độc lập như nghiên cứu, soạn thảo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam trình Bộ Tài chính ban hành, tham gia bồi dưỡng kiến thức cho kiểm toán viên, tham gia kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán, tham gia tổ chức thi và cấp chứng chỉ kiểm toán viên). Hội đã xây dựng mô hình theo tính chuyên nghiệp, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của nghề nghiệp kiểm toán độc lập ở Việt Nam. Bước đầu Hội đã khẳng định được vị thế của mình trong cộng đồng doanh nghiệp, xã hội, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức và Hội nghề nghiệp quốc tế. VACPA đã được kết nạp và trở thành Hội viên liên kết của IFAC từ ngày 11/11/2015.

Hội thảo được tổ chức nhằm tạo ra cơ hội cho các đại biểu tham dự có cuộc đối thoại sâu sắc để chia sẻ và tìm hiểu về các cách tiếp cận khác nhau mà các tổ chức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán (PAOs) đã thực hiện thông qua các lĩnh vực khác nhau liên quan đến ngành nghề kế toán, kiểm toán. Bằng việc chia sẻ những kinh nghiệm thực tế cũng như chia sẻ về những thành công, thử thách chính mà PAOs trải qua, tất cả đại biểu tham dự hội thảo mong đợi sau hội thảo sẽ tìm ra các giải pháp khả thi nhất về chủ đề này. Cụ thể sẽ là ba lĩnh vực sau (1) Tính bền vững: (các) cơ sở pháp lý thích hợp, cơ cấu quản trị và năng lực hoạt động; (2) Chuẩn mực và thực thi: tạo thuận lợi cho việc thông qua và thực hiện các chuẩn mực về giáo dục kế toán, đạo đức, kiểm toán, và kế toán công cộng dựa trên chuẩn mực quốc tế và tuân thủ giám sát; và (3) Mức độ liên quan: sự kết nối giữa một tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán và hội viên cũng như xã hội rộng hơn để hiểu và đáp ứng nhu cầu của cả hai nhóm trong cả khu vực tư nhân và khu vực công.

Ông Phạm Sỹ Danh – Chủ tịch VACPA chia sẻ “Hội thảo ngày hôm nay là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ chức nghề nghiệp hướng đến việc tuân thủ các nghĩa vụ của Hội viên IFAC (SMOs), tìm ra cách giải quyết hiệu quả đối với những thách thức chung, đồng thời phát triển và mở rộng cơ hội hỗ trợ giữa các tổ chức. Hội thảo là cơ hội lớn cho các lãnh đạo và đại diện của các tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trong khu vực Đông Nam Á kết nối với nhau và các thành viên của Ủy ban Tư vấn Tuân thủ IFAC cũng như đại diện các tổ chức trong nước và các nhà tài trợ. Đây là các sự kiện mang tầm cỡ quốc tế về nghề nghiệp mà VACPA đăng cai tổ chức và sự thành công của sự kiện này sẽ giúp nâng cao vai trò, vị thế của VACPA trong khu vực và quốc tế. Đây cũng là một cơ hội rất tốt để quảng bá với thế giới về sự phát triển nghề nghiệp của kế toán, kiểm toán cũng như của các tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán tại Việt Nam, và cũng thông qua đó để Việt Nam có thể hiểu thêm và học tập kinh nghiệm về sự phát triển của các tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trong khu vực và trên thế giới”.


 

*****

Trích nguồn: VACPA
Số lượt đọc: 7943

Đánh giá bài viết
Kết quả