Việt Nam đã rất thành công với việc kiểm soát COVID 19 trong cộng đồng, tuy nhiên, không nhiều thì ít COVID19 đã ảnh hưởng đến công việc của kiểm toán viên. Đối với ngành kiểm toán, COVID 19 liệu có ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán hay không? Phỏng vấn Bà Trần Thị Thúy Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề (VACPA) kiêm Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam về vấn đề này sẽ làm rõ hơn các công việc của kiểm toán viên trong đại dịch COVID 19.
Mối quan tâm của Doanh nghiệp trong giai đoạn Covid và các vấn đề cần chú ý cho kiểm toán viên là gì thưa bà?
Trừ một số ít ngành nghề có sự phát triển tốt hơn trong đại dịch COVID như y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ thông tin, các sản phẩm thiết yếu, nhiều ngành nghề khác phải cân đối, kiểm soát chi phí, tìm cách mở rộng thị trường, chống chọi để tồn tại trong sự suy thoái của nền kinh tế hoặc các doanh nghiệp phải tìm cách chuyển dịch chiến lược kinh doanh và phương thức kinh doanh nhằm phù hợp với nhu cầu tiêu dùng mới của người tiêu dùng.
Nhiều doanh nghiệp xoay quanh với câu chuyện làm thế nào để đủ nguồn nhân lực làm việc hoặc đủ nguyên vật liệu cho đơn hàng nhưng cũng nhiều doanh nghiệp chỉ thu xếp làm thế nào để giảm thiểu thiệt hại nhất cho người lao động và việc sắp xếp các ca làm việc thế nào để người lao động có thu nhập tối thiểu, để họ không bị mất việc làm và là gánh nặng của xã hội. Phần lớn các doanh nghiệp tập trung cho việc quản trị nội bộ hiệu quả, cắt giảm chi phí đến mức tối đa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mạnh và phát triển bền vững thì có điều kiện tập trung trợ giúp công tác xã hội và cộng đồng thay vì phát triển nhanh và nóng.
Câu hỏi cần đặt ra cho các kiểm toán viên là liệu các phương pháp kiểm toán truyền thống và cách thức thực hiện kiểm toán truyền thống có trợ giúp tăng chất lượng kiểm toán và cung cấp cho đơn vị được kiểm toán những giá trị gia tăng hay không? Với sự hoài nghi nghề nghiệp, một loạt các câu hỏi thường được đặt ra bởi kiểm toán viên là: Liệu Ban lãnh đạo và nhân viên của các doanh nghiệp có áp lực về các chỉ số tài chính hay các chỉ tiêu quản lý nhằm đạt được mức thu nhập như kỳ vọng, dẫn đến phát sinh và gia tăng gian lận hay biển thủ tài sản? Liệu phương thức làm việc tại nhà hay từ xa của các doanh nghiệp hoặc một bộ phận của doanh nghiệp có dẫn tới các quy trình kinh doanh thay đổi, hệ thống kiểm soát nội bộ thay đổi tạo nên các lỗ hổng trong kiểm soát và gia tăng gian lận? Liệu doanh nghiệp có thể hoạt động liên tục khi một số ngành nghề gần như bị ngừng hoạt động (hoạt động hàng không, du lịch quốc tế, …), địa bàn hoạt động và thị trường bị giãn cách xã hội hoặc chuỗi cung ứng bị gián đoạn không cung cấp nguyên vật liệu kịp thời hoặc hàng hóa, thành phẩm không được giao đúng kỳ hạn.
Hơn lúc nào hết, sự hoài nghi nghề nghiệp và sự cẩn trọng trong kiểm toán được nâng cao nhằm trợ giúp kiểm toán viên có thể thực hiện tốt công việc của mình với chất lượng cao nhất và hiệu quả nhất.
Vai trò của Ban Giám đốc trong việc lập và trình bày Báo cáo tài chính cần chú ý trong giai đoạn đại dịch COVID19 là gì và điều gì kiểm toán viên cần chú trọng?
Với sự thay đổi nhanh chóng trong quy trình kinh doanh cũng như thị trường, Ban lãnh đạo của các đơn vị cũng thay đổi theo và ra các quyết định nhanh hơn, theo đó, kiểm toán viên cần xem xét lại các khái niệm cơ bản về cơ sở kinh doanh, điều kiện ghi nhận doanh thu, cách thức xử lý và ghi nhận chi phí, hay đơn giản là xem xét thời gian hữu dụng của tài sản có còn phù hợp không hoặc các ước tính kế toán của Ban giám đốc có còn hợp lý không trong giai đoạn kinh doanh khó khăn và suy thoái hoặc khi ciến lược kinh doanh và mô hình kinh doanh của đơn vị đã thay đổi.
Đối với các đơn vị thay thay đổi chiến lược kinh doanh và có kế hoạch giải thể, mua bán, sáp nhập hoặc đóng cửa một bộ phận hoặc hoạt động kinh doanh chính gần như ngưng trệ do đại dịch, kiểm toán viên cần xem xét kỹ sự hoạt động liên tục của doanh nghiệp để có những thử thách đối với khách hàng về tính khả thi của kế hoạch thực hiện trình bày trên báo cáo tài chính. Theo đó, “stress test” kiểm tra sự chịu đựng của các doanh nghiệp thường được đặt ra đối với hầu hết các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đại dịch COVID. Nếu việc giãn cách xã hội kéo dài hơn không phải là 1 tháng mà là 3 tháng hay lâu hơn nữa như đã từng xảy ra ở một số nước; khi khách hàng đã được giãn nợ nhưng vẫn không thể trả được nợ sau kỳ giãn nợ hoặc hàng hóa không thể tiêu thụ được do việc giao vận và kênh phân phối bị tắc nghẽn trong nhiều tháng thì doanh nghiệp có thể đủ tiền để chi trả những khoản chi tiêu cơ bản nhất trong vòng bao nhiêu lâu? Các kịch bản này cần được xem xét kỹ lưỡng nhằm trợ giúp kiểm toán viên đánh giá các giả định của Ban giám đốc về sự hoạt động liên tục của doanh nghiệp.
Việc giãn cách xã hội có ảnh hưởng đến công việc của kiểm toán viên và chất lượng kiểm toán như thế nào?
Doanh nghiệp có thể phải thay đổi hệ thống kiểm soát nội bộ do chu trình kinh doanh thay đổi, người lập và người phê duyệt có thể xử lý thông tin qua hệ thống phần mềm và các chứng từ điện tử, theo đó, đánh giá môi trường kiểm soát và những thay đổi đối với các chốt kiểm soát thực sự quan trọng, để xác định liệu có lỗ hổng nào dẫn tới rủi ro có thể dẫn đến gian lận của doanh nghiệp. Trong trường hợp này, kiểm toán trong môi trường công nghệ thông tin cần chú trọng sự phân quyền truy cập và sự phê chuẩn cũng như sự tự đồng bộ quá liên tục trong các quy trình tự động hóa. Công nghệ thông tin cũng đóng vai trò quan trọng trong viêc xác định rủi ro cho các doanh nghiệp có dữ liệu lớn, mạng lưới rộng và phức tạp.
Khi kiểm toán viên làm việc từ xa, việc đánh giá và xác định rủi ro tổng thể báo cáo tài chính và rủi ro ở các tài khoản cần thận trọng hơn không chỉ đối với thủ tục phân tích mà còn đối với việc đánh giá các bằng chứng kiểm toán thu thập được trong việc thực hiện kiểm tra mẫu chọn. Các mẫu chọn không được kiểm tra trực tiếp cần được xem xét làm thêm các thủ tục như (1) quy trình của khách hàng về đảm bảo tài liệu scan cho kiểm toán viên và tài liệu gốc là giống nhau; (2) một số các thủ tục cần được thực hiện qua video hay zoom (ví dụ: kiểm kê chọn mẫu) thay vì chỉ bằng điện thoại hay email; (3) Trong trường hợp phỏng vấn qua điện thoại, cần xem xét việc có người thứ 3 chứng kiến hay không. Ngoài ra, các thủ tục đảm bảo tính chính xác và đầy đủ của dữ liệu hay tài liệu mà doanh nghiệp cung cấp cho kiểm toán viên cũng cần được thực hiện một cách cẩn trọng. Sự hoài nghi nghề nghiệp và tính xét đoán chuyên môn của kiểm toán viên cần nâng cao hơn bao giờ hết mới có thể giảm thiểu rủi ro kiểm toán.
Các kiểm toán viên phải làm thêm các thủ tục khác mà trong giai đoạn kinh tế bình thường họ không cần phải thực hiện cũng làm cho chi phí kiểm toán tăng lên, trong khi phí kiểm toán không tăng hoặc đôi khi bị giảm do quy mô kinh doanh của đơn vị được kiểm toán giảm cũng là một áp lực lớn đối với các doanh nghiệp kiểm toán. Tuy nhiên, không vì điều này mà chất lượng kiểm toán bị giảm. Do rủi ro kiểm toán cao hơn nên các doanh nghiệp kiểm toán sẽ tập trung vào kiểm soát chất lượng và nâng cao đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên nhằm giảm thiểu rủi ro kiểm toán.
Điều gì đã thực hiện ở Deloitte, hội viên tập thể của Hội kiểm toán viên hành nghề, nhằm gia tăng chất lượng kiểm toán?
Tập trung đào tạo và đào tạo lại các vấn đề cơ bản về kiểm toán, kế toán, thuế hay các luật hiện hành ở tất cả các cấp bậc nhân viên kiểm toán, tập trung vào các khu vực kiểm toán, khoản mục quan trọng bị ảnh hưởng bởi COVID là yêu cầu bắt buộc. Sau đó, chúng tôi tập trung vào việc áp dụng các công nghệ tiên tiến của Hãng nhằm thực hiện xác định rủi ro và dùng các công nghệ hiện đại trợ giúp kiểm toán viên thực hiện công tác kiểm toán từ xa và trong môi trường công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, việc thực hiện giám sát chất lượng và thực hiện VSQC1 được yêu cầu ở mức tối đa; chúng tôi tập trung nguồn lực và thời gian cho bộ phận kiểm soát chất lượng từ văn phòng toàn cầu cho tới các văn phòng ở mỗi nước sở tại, nhất là ở Việt Nam, nơi mà thế giới vẫn cho rằng tham nhũng, rửa tiền ở mức cao còn tính quản trị, công khai minh bạch ở mức thấp. Hơn lúc nào hết, Ban lãnh đạo khối kiểm toán luôn đề cao chất lượng kiểm toán là ưu tiên số 1 và không thể thỏa hiệp, nâng cao tính hoài nghi nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp. Đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các cuộc kiểm toán và hoạt động kiểm toán.