Đâu sẽ là xu hướng công nghệ mới nhất cho năm nay?
Mỗi năm, các công ty tư vấn như Gartner và IDC hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật các xu hướng công nghệ mới nhất thông qua các dự báo được thực hiện hàng năm.
Chẳng hạn, theo dự báo của IDC mức đầu tư vào lĩnh vực chuyển đổi số trong năm nay ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng mạnh, dự kiến quy mô số hóa của cả khu vực sẽ chiếm 65% GDP vào năm 2023.
Các doanh nghiệp phải thay đổi như thế nào để thích ứng với xu hướng chuyển đổi và cần đầu tư vào những công nghệ số nào? Các xu hướng Công nghệ Chiến lược Hàng đầu của Gartner cho năm 2021 đưa ra một số gợi ý. Dưới đây là năm xu hướng hàng đầu.
Mô hình "vận hành ở bất kỳ đâu"
Một điều mà chúng ta học được từ đại dịch chính là địa điểm và khoảng cách gần không quan trọng như chúng ta từng nghĩ. Do đó, theo Gartner, các công ty cần chuyển đổi sang mô hình “vận hành ở bất kỳ đâu”.
Đây là mô hình vận hành CNTT “được thiết kế để hỗ trợ khách hàng ở khắp mọi nơi, cho phép nhân viên làm việc ở bất kỳ đâu và quản lý việc triển khai các dịch vụ kinh doanh trên cơ sở hạ tầng phân tán”.
Công ty Gartner cho biết thêm: “Tuy nhiên, đây không chỉ đơn thuần là phương thức vận hành từ xa”. “Số hóa luôn phải được ưu tiên mọi lúc mọi nơi. Điều này không có nghĩa là không gian vật lý không còn quan trọng, mà không gian này cần phải được tăng cường ở khía cạnh số hóa”.
Đem lại "trải nghiệm tổng thể"
Nhiều tổ chức ban đầu chỉ nỗ lực cung cấp trải nghiệm tốt nhất có thể dành cho khách hàng, sau đó mới nghĩ đến việc cải thiện trải nghiệm dành cho nhân viên và các bên liên quan khác.
Tuy nhiên, Gartner khuyến khích cách tiếp cận toàn diện bằng cách tạo ra "trải nghiệm tổng thể" cho tất cả các bên.
Công ty cho biết “việc kết nối chặt chẽ tất cả các trải nghiệm này - thay vì cải thiện từng trải nghiệm một cách riêng lẻ - sẽ giúp tạo ra sự khác biệt cho doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh theo cách thức khó có thể sao chép, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp”.
Điều này có thể giúp doanh nghiệp thích ứng và thậm chí “tận dụng được các yếu tố gây gián đoạn do đại dịch COVID-19, như yêu cầu làm việc từ xa, khách hàng tương tác trên nền tảng di động, nền tảng ảo và phân tán”.
Gartner dẫn chứng một ví dụ minh họa của một công ty viễn thông, trong đó, công ty này đã triển khai nhiều sáng kiến số hóa và tại cửa hàng trong thời gian xảy ra đại dịch. Các sáng kiến này bao gồm việc giới thiệu hệ thống đặt hẹn mới, cho phép hướng dẫn khách hàng thực hiện toàn bộ quy trình đăng ký cùng với việc thiết lập thêm các kiosk số phục vụ giao dịch không tiếp xúc.
Công ty cho biết: “Các sáng kiến này đã đem lại trải nghiệm tổng thể an toàn hơn, liền mạch và tích hợp hơn cho khách hàng và nhân viên”.
Hướng đến công nghệ “siêu tự động hóa” (hyperautomation)
Mặc dù nhiều tổ chức rất muốn tự động hóa nhiều quy trình kinh doanh nhất có thể, tuy nhiên, phương pháp thực hiện của họ còn mang tính chắp vá. Thay vào đó, theo quan điểm của Gartner, để đạt được mức độ mà các công ty gọi là “siêu tự động hóa” thì cần phải có chiến lược toàn diện.
“Siêu tự động hóa là công nghệ mấu chốt giúp doanh nghiệp đạt được vận hành số hóa vượt trội và khả năng phục hồi hoạt động”.
Với chiến lược này, “các doanh nghiệp sẽ tự động hóa càng nhiều quy trình kinh doanh và CNTT càng tốt bằng cách sử dụng các công cụ như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning), phần mềm hướng sự kiện (event-driven software), tự động hóa quy trình bằng robot và các loại công cụ tự động hóa quy trình và tác vụ khác”.
Điều này không phù hợp với việc triển khai chắp vá các công nghệ không có khả năng kết nối. Thay vào đó, các tổ chức nên hướng đến số hóa mọi thứ, để giúp họ có thể “tự động hóa các tác vụ, quy trình và điều phối tự động hóa trên tất cả các lĩnh vực chức năng”.
Từ khóa ở đây là “điều phối” (orchestrate), theo thuật ngữ CNTN thì nó có nghĩa là phối hợp các quy trình tự động trên các hệ thống khác nhau có kết nối.
Áp dụng “lưới an ninh mạng” (cybersecurity mesh)
Các hệ thống an ninh mạng truyền thống được thiết kế để bảo vệ “vành đai” cũ - mạng văn phòng.
Trước tình thế phải chuyển đổi ngay sang hình thức làm việc từ xa trong năm 2020, các công ty đang tìm kiếm giải pháp mới để bảo vệ hệ thống và dữ liệu bên ngoài phạm vi mạng công ty.
Theo Gartner, các doanh nghiệp ngày càng đi theo hướng tiếp cận kiến trúc phân tán, còn được gọi là “lưới an ninh mạng”.
Công ty tư vấn cho biết “Về cơ bản, lưới an ninh mạng cho phép xác định vành đai bảo mật xung quanh thông tin định danh của một người hoặc một vật”. Lưới an ninh mạng cho phép “bất kỳ cá nhân hoặc vật nào có thể tiếp cận và sử dụng an toàn bất kỳ tài sản kỹ thuật số nào, cho dù tài sản đó ở đâu, mà vẫn đảm bảo mức độ bảo mật cần thiết”.
Công nghệ này hỗ trợ “việc kiểm soát an ninh mạng có thể mở rộng quy mô, linh hoạt và đáng tin cậy hơn”.
Trở thành doanh nghiệp "có thể kết hợp thông minh"
Đại dịch đã thúc đẩy nhận thức về tầm quan trọng của khả năng linh hoạt và thích ứng với các thay đổi đột ngột của thị trường, kinh tế và xã hội. Theo Gartner, để đạt được trạng thái này, các tổ chức nên hướng đến phát triển thành các doanh nghiệp “có thể kết hợp thông minh” (intelligent composable).
“Có thể kết hợp” (Composable) là thuật ngữ CNTT dùng để diễn tả một hệ thống linh hoạt với các cấu phần có thể lắp ráp theo nhiều cách kết hợp để đáp ứng các yêu cầu cụ thể. Gartner mở rộng khái niệm này để áp dụng cho doanh nghiệp có khả năng thích ứng và “về cơ bản, có thể tự sắp xếp lại tùy theo tình hình thực tiễn”.
Tuy nhiên, để thực hiện điều này, doanh nghiệp cần phải chuyển đổi cả về mặt số hóa và tổ chức. Trước tiên, các công ty cần trang bị cho nhân viên “khả năng tiếp cận thông tin tốt hơn” và “khai thác thông tin đó để đưa ra hiểu biết chuyên sâu tốt hơn”.
Tiếp theo, họ cần có khả năng “phản ứng nhanh chóng với những gợi ý từ hiểu biết chuyên sâu đó”. Điều này đồng nghĩa với việc tăng cường “tính tự chủ và tính dân chủ trong toàn bộ tổ chức”, cho phép nhân viên nhanh chóng đưa ra ứng phó thay vì bị trói buộc trong các quy trình kém hiệu quả.
Đâu là giải pháp dành cho doanh nghiệp?
Tất cả những xu hướng công nghệ này có ý nghĩa gì đối với doanh nghiệp? Doanh nghiệp có thể bắt đầu bằng cách áp dụng các giải pháp công nghệ mới, đơn cử như:
Tuy nhiên, cuối cùng, điều quan trọng là cần tư duy về công nghệ có tính chiến lược hơn. Điều này đồng nghĩa với việc lựa chọn giải pháp của doanh nghiệp không chỉ nhằm giải quyết các vấn đề kinh doanh cụ thể mà các giải pháp này phải linh hoạt và phù hợp với các chiến lược tổng thể hơn trong toàn doanh nghiệp.
Nguồn: Link: https://www.intheblack.com/articles/2021/03/01/technology-trends-2021
Bản quyền thuộc về © 2021 CPA Australia Ltd. Đã được cấp phép.
Bài gốc đăng trên tạp chí điện tử INTHEBLACK của CPA Australia ngày 01/03/2021